Kỹ sư Đinh Thanh Hải: Sống với đam mê

Kỹ sư Đinh Thanh Hải:

Sống với đam mê

Đam mê chế tạo máy móc từ nhỏ và gắn bó hơn 20 năm với ngành cơ khí, kỹ sư Đinh Thanh Hải - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Đông Hải (Cụm công nghiệp Quang Trung - TP Quy Nhơn, chuyên sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy phục vụ ngành chế biến gỗ) - đã cùng với các cộng sự của mình nghiên cứu sản xuất nhiều loại máy hữu ích phục vụ cuộc sống. Sự sáng tạo không ngừng đã giúp công ty dần khẳng định thương hiệu và ngày càng vững mạnh.

Ông Đinh Thanh Hải

Thành công nhờ đón đầu xu hướng

Sinh năm 1963, tốt nghiệp đại học ngành chế tạo máy tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, sau khi làm việc cho các nhà máy lớn ở TP Hồ Chí Minh để học hỏi kinh nghiệm, năm 1997, kỹ sư Đinh Thanh Hải quay về Bình Định khởi nghiệp bằng cơ sở sản xuất (CSSX) cửa sắt. Một năm sau, ông cùng với bạn bè thành lập CSSX cơ khí Đông Hải. Đến nay, danh mục sản phẩm “made in Đông Hải” đã có trên vài chục loại.

● Tại sao khi bắt đầu khởi nghiệp, ông lại chọn sản xuất sản phẩm đầu tiên là máy lọc sạn (MLS) gạo?

- Thời điểm đó, ở Bình Định đã có vài đơn vị sản xuất MLS gạo, song tôi nhận thấy tiềm năng thị trường rất lớn nên đã sản xuất MLS theo “khung” của MLS Đài Loan. Trong quá trình sản xuất, những khuyết điểm của máy bộc lộ, tôi cải tiến dần. Những chiếc máy đầu tiên mang tên Đông Hải ra đời đã gọn nhẹ hơn các loại MLS trên thị trường, giá lại giảm hơn, tỉ lệ lọc sạn 100%, chất lượng ổn định. Hiện MLS Đông Hải được tiêu thụ mạnh ở nhiều nơi trong nước, số lượng bán ra đến nay khoảng 40.000 máy và vẫn là sản phẩm chủ lực của công ty.

Sau đó, Đông Hải tiếp tục sản xuất thêm máy gặt lúa xếp dãy và các loại máy nông nghiệp. Khi ngành chế biến gỗ bắt đầu phát triển, tôi mở rộng sản xuất các sản phẩm phục vụ ngành này, như: máy hàn bấm tay tự động, máy đục mộng vuông thủy lực, các loại máy hút bụi công nghiệp, máy ép mùn cưa… Cứ như vậy, đến nay công ty đã có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu về máy cơ khí của khách hàng, từ các loại máy nhỏ sản xuất quy mô hộ gia đình đến các dây chuyền lớn.

● Được biết, Đông Hải vừa mới hoàn thành dây chuyền sản xuất gạch không nung trong thời điểm cả nước đang thực hiện chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công?

- Tôi quan niệm, muốn sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, ngoài chất lượng còn phải đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của thực tế. Ý tưởng về một dây chuyền sản xuất gạch không nung xuất hiện khi tôi được biết đang có chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, song lộ trình thực hiện còn khó khăn vì chưa có giải pháp hữu hiệu thay thế. Tôi cũng không phải là người đi tiên phong trên lĩnh vực này.

Mất 3 năm để ý tưởng thành hiện thực, tôi và các cộng sự của mình đã tiến hành tìm hiểu hầu hết các công nghệ liên quan, tìm kiếm giải pháp tối ưu để sản phẩm mang lại hiệu quả cao nhất, giá cả phù hợp với điều kiện của đại đa số CSSX. Hiện nay, dây chuyền đã được lắp đặt, vận hành tại một CSSX gạch trong tỉnh. Tôi rất tâm đắc với sản phẩm này vì thiết bị vừa mở ra một hướng mới cho công ty, nhưng quan trọng hơn là góp phần giải quyết được một vấn đề bức xúc của xã hội.

Máy ép mùn cưa của Đông Hải. Ảnh: M.H

Hướng đến chuyên nghiệp trong từng chi tiết

Tự nhận mình không phải là người đi tiên phong trong nghiên cứu, thay vào đó, kỹ sư Đinh Thanh Hải luôn tìm kiếm các giải pháp để thiết bị đạt mức tối ưu, các công đoạn sản xuất được cơ khí hóa đến mức chuyên nghiệp để tạo chất lượng đồng đều cho các sản phẩm. Nhờ vậy, các loại máy mang thương hiệu Đông Hải đã có mặt ở nhiều địa phương với hơn 70 đại lý rải đều từ Bắc đến Nam.

● Cơ khí hóa các công đoạn sản xuất là điều quan trọng, tuy nhiên, để làm được điều này, cần nhiều chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng. Vì sao ngay từ khi còn là một CSSX nhỏ, ông đã chú trọng đến điều này?

- Việc cơ khí hóa trong chế tạo máy không chỉ tạo nên sự đồng nhất trong chất lượng sản phẩm mà còn tiết kiệm được thời gian sản xuất và tăng năng suất lao động. Chất lượng sản phẩm luôn đồng nhất, ổn định, hiệu quả sử dụng cao là cam kết của công ty với khách hàng. Vì vậy, giảm tối đa các công đoạn sản xuất thủ công sẽ giúp cho sản phẩm hạn chế thấp nhất các lỗi kỹ thuật. Ngoài ra, để có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng từ quy mô hộ gia đình cho đến các dự án đầu tư lớn, đòi hỏi công ty phải đủ năng lực kỹ thuật. Hơn nữa, để có thể tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt, giá cả hợp lý, có thể cạnh tranh được với các thiết bị cùng loại trên thị trường, công ty phải chủ động càng nhiều càng tốt các công đoạn sản xuất.

● Trong những sản phẩm mà mình đã thiết kế, sản xuất, thiết bị nào ông tâm đắc nhất?

- Với mỗi một thiết bị, chất lượng sản phẩm phải luôn được hoàn thiện, cải tiến thường xuyên. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của internet, việc tiếp cận với các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trên thế giới rất dễ dàng. Vì vậy, làm sao để vận dụng các công nghệ mới một cách hợp lý mang lại kết quả cao nhất cho thiết bị luôn là yếu tố cần được phát huy. Ngay như MLS là sản phẩm đầu tiên từ ngày lập xưởng, đến nay chúng tôi vẫn cải tiến không ngừng. So với chiếc MLS đầu tiên, những thế hệ máy sau đã được cải tiến giảm gần một nửa chi tiết máy, công nghệ cũng được thay đổi để đạt năng suất cao hơn.

Với thiết bị mới nhất là dây chuyền sản xuất gạch không nung, dù rất tâm đắc nhưng hệ thống chỉ mới hoàn thiện, chúng tôi còn phải cải tiến nhiều trước khi đưa ra sản xuất đại trà với các mức giá phù hợp. Sự hài lòng lớn nhất của chúng tôi là khi sản phẩm nhận được phản hồi tốt từ khách hàng.

Sống với đam mê

Từ một CSSX cơ khí nhỏ với 3 công nhân, đến nay Công ty TNHH Cơ khí Đông Hải đã có số cán bộ, công nhân trên 70 người, trong đó có 5 kỹ sư cơ khí và hơn 40 thợ lành nghề. Sự phát triển từng bước vững chắc của công ty gắn liền với sự sáng tạo bền bỉ và không mệt mỏi của người đứng đầu.

● Ông mất bao lâu để “Đông Hải” được khách hàng biết đến?

- Tôi đam mê máy móc thiết bị từ nhỏ, nên đã chọn thi vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng, học khoa chế tạo máy. Tôi cảm thấy may mắn được sống với niềm đam mê của mình. Tuy nhiên, đây là một nghề vất vả, nếu không thật sự đam mê thì rất dễ bỏ cuộc giữa chừng. Một ví dụ đơn giản, những năm đầu tiên, có những ngày tôi phải chạy xe mấy trăm cây số đến các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận để bán máy, thậm chí có nơi tôi cho người ta dùng thử. Mất 5 năm len lỏi khắp các vùng miền trên cả nước để xây dựng mạng lưới phân phối, cái tên Đông Hải mới dần được biết đến.

Ông Đinh Thanh Hải đang cùng khách hàng vận hành thử dây chuyền sản xuất gạch không nung. Ảnh: M.H

● Gắn bó với ngành cơ khí đã hơn 20 năm và liên tục cho ra những sản phẩm mới, điều gì khiến ông luôn giữ được sự sáng tạo bền bỉ?

- Như tôi đã nói, cơ khí chế tạo máy là một nghề khắc nghiệt, có yêu, có đam mê thì mới theo đuổi được nghề. Vì có những lúc công sức bỏ ra rất lớn, nhưng kết quả thu lại không tương xứng; lại phải luôn chấp nhận thử thách, tìm tòi, sáng tạo những cái mới. Cũng có thể do tôi được sống với đam mê nên không cảm thấy vất vả.

● Xin cảm ơn ông!

Một số thành tích của kỹ sư Đinh Thanh Hải:

Chiếc máy hàn bấm cầm tay dùng trong chế biến gỗ được tặng thưởng Huy chương Vàng tại Chợ Công nghệ-Thiết bị (Techmart) 2003. Máy đục mộng vuông thủy lực tự động dùng trong ngành chế biến gỗ được Bộ KH-CN tặng Huy chương Vàng tại Techmart 2007; giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ VI (2008-2009). MLS gạo,  máy cắt mộng đa năng, máy đục mộng vuông thủy lực tự động đạt giải sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu Bình Định năm 2010. Kỹ sư Đinh Thanh Hải đã được UBND tỉnh Bình Định tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.

MAI HỒNG (Thực hiện)

Nguồn: http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=32&macmp=32&mabb=25184